Trang chủ » 2 cách nấu lẩu vịt khoai sọ và khoai môn thơm ngon bổ dưỡng cho cả nhà

2 cách nấu lẩu vịt khoai sọ và khoai môn thơm ngon bổ dưỡng cho cả nhà

bởi nimda
16 lượt xem
Lẩu vịt khoai sọ, lẩu vịt khoai môn

Bạn muốn có những bữa ăn ngon mỗi ngày nhưng lại không muốn dành quá nhiều thời gian cho việc nấu nướng? Hãy cùng Món Ăn Ngon khám phá những công thức nấu ăn siêu tốc nhé!

2 cách nấu lẩu vịt khoai sọ và khoai môn thơm ngon bổ dưỡng cho cả nhà

Lẩu vịt khoai sọ và khoai môn với hương vị thơm ngon, dễ ăn từ với thịt vịt mềm ngọt thấm vị kết hợp với sự bùi béo của khoai sọ hay khoai môn sẽ khiến bạn thích ngay từ miếng đầu tiên. Cùng vào bếp với Món Ăn Mới thực hiện 2 cách làm món lẩu bổ dưỡng cực hấp dẫn này bạn nhé!

Các công thứcCác công thức khác
  • Lẩu vịt khoai sọ

  • Lẩu vịt khoai môn

1. Lẩu vịt khoai sọ

Nguyên liệu làm Lẩu vịt khoai sọ
Cho 4 người


Thịt vịt 1 con(khoảng 1.5kg)

Khoai sọ 500 gr

Hành tím 2 củ

Gừng 2 nhánh

Sấu 5 quả

Dầu ăn 2 muỗng canh

Nước mắm 1 muỗng canh

Gia vị thông dụng 1 ít(Muối/ hạt nêm/ bột ngọt/ tiêu xay)

Cách chọn mua khoai sọ bở ngon, không sượng

  • Ưu tiên chọn mua khoai sọ mọc theo chùm so với những loại khoai sọ 1 cây 1 củ.
  • Củ khoai sọ có kích cỡ nhỏ thường ngọt dẻo hơn, dáng tròn đều hoặc hình dáng như quả trứng gà, trên vỏ sần sùi, nhiều râu, những củ mới, thường có nhiều đất bám trên vỏ.
  • Không chọn mua những củ khoai sọ có nhiều vết thâm đen, thối rữa, không chọn những củ có dáng dài, to.

Quả sấu là quả gì? Mua quả sấu ở đâu?

  • Quả sấu là một loại quả của cây sấu, có hình bầu tròn, lớp vỏ xanh, khi quả chín sẽ có màu vàng nâu, có vị chua tự nhiên.
  • Quả sấu thường được dùng để chế biến các món như canh chua, ô mai sấu,… để tạo vị chua thanh đặc trưng.
  • Sấu bạn có thể mua tại các chợ truyền thống, hay các cửa hàng chuyên các thực phẩm miền Bắc. Bên cạnh đó bạn cũng có thể đặt hàng mua online trên các trang web thương mại điện tử đều được.

Cách chế biến Lẩu vịt khoai sọ

  • Sơ chế thịt vịt

    Để khử mùi hôi của thịt vịt, bạn chà xát 1 muỗng canh muối và 1 nhánh gừng cắt lát đập dập lên bề mặt da bên ngoài cùng phần bụng bên trong rồi rửa thật sạch với nước từ 2 – 3 lần.

    Sau đó, chặt vịt thành khúc vừa ăn rồi để ra rổ cho ráo nước.

  • Sơ chế khoai sọ và các nguyên liệu khác

    Khoai sọ gọt bỏ vỏ, trong quá trình gọt vỏ thì đất bên ngoài vỏ sẽ bám trên phần thịt củ, nên sau khi gọt xong bạn nhớ rửa sạch nha.

    Tiếp đó bạn cắt khoai thành những khúc vừa ăn khoảng 1 lóng tay.

    Cách gọt khoai sọ không bị ngứa:

    • Cách 1: Bạn nên để nguyên đất bám vào khoai, để khoai và tay thật khô rồi gọt vỏ khoai.
    • Cách 2: Bắc nồi 1 lít nước hoà cùng 2 muỗng cà phê muối rồi cho khoai vào nồi đun lửa lớn đến khi nước bắt đầu sôi thì đổ khoai ra rổ, xối nước lạnh cho khoai nguội bớt và lột vỏ.
    • Cách 3: Bạn có thể gói khoai vào giấy bạc rồi nướng sơ trong lò nướng hoặc cho khoai vào tô nước lạnh và đun trong lò vi sóng, sau đó cho khoai ra xả qua nước lạnh rồi lột vỏ.

    Xem chi tiết: Cách gọt khoai sọ không bị ngứa

    Gừng, hành tím bạn làm sạch vỏ rồi cắt lát. Hành lá bạn cắt bỏ phần rễ rửa sạch và cắt nhỏ.

    Sấu cạo nhẹ lớp vỏ bên ngoài rồi rửa sạch.

  • Xào vịt cùng khoai sọ

    Bắc nồi lên bếp mở lửa vừa, cho vào nồi 2 muỗng canh dầu ăn, đợi dầu nóng thì bạn cho hành tím, gừng cắt lát vào phi thơm.

    Khi hành tím và gừng đã trở vàng và dậy mùi thơm thì bạn cho thịt vịt vào xào khoảng 2 phút cho săn lại, nêm gia vị với 1 muỗng canh hạt nêm, 1/2 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cà phê tiêu. Bạn đảo đều cho gia vị tan, thấm vào thịt vịt.

    Tiếp theo, khi thịt vịt đã săn lại thì thêm khoai sọ vào xào thêm 3 phút nữa.

  • Nấu lẩu thịt vịt khoai sọ

    Lúc này bạn thêm 1.5 lít nước vào nồi vịt, khoai sọ xào rồi chỉnh mức lửa lớn và nấu sôi.

    Khi nước trong nồi sôi lớn thì bạn chỉnh lửa nhỏ rồi thêm 5 quả sấu vào và nấu thêm 30 phút cho khoai sọ và thịt vịt mềm. Tiếp đó là nêm thêm vào 1 muỗng cà phê bột ngọt và 1 muỗng canh nước mắm.

    Bạn có thể tùy chỉnh thêm lượng gia vị sao cho vừa với khẩu vị gia đình mình rồi thêm hành lá vào đun thêm 1 – 2 phút nữa là thể thưởng thức được rồi đấy!

    Mách bạn: Lẩu vịt thêm sấu vào sẽ giúp nước dùng có vị chua thanh, giúp món lẩu thơm ngon hơn cũng như giảm độ ngấy. Tuy nhiên bạn có thể không thêm sấu vào cũng được nhé!
  • Thành phẩm

    Lẩu vịt nấu khoai sọ sau khi hoàn thành dậy mùi thơm hấp dẫn lan tỏa cả bếp.

    Nước dùng lẩu ngọt thanh, chua nhẹ cùng những miếng thịt vịt mềm béo, khoai sọ dẻo dẻo bùi bùi, các hương vị tuyệt vời kết hợp lại với nhau khiến bạn sẽ bất ngờ khi thưởng thức.

    Món lẩu này ăn kèm bún tươi và thêm một chén mắm gừng để chấm thịt vịt thì thơm ngon, tròn vị khỏi phải bàn.

2. Lẩu vịt khoai môn

Nguyên liệu làm Lẩu vịt khoai môn
Cho 4 người


Đùi vịt lớn 2 cái(khoảng 700gr)

Khoai môn 2 củ(củ vừa)

Gừng 1 củ

Ớt 2 quả

Hành tím 2 củ

Hành lá 3 nhánh

Tía tô 5 nhánh

Rau ăn kèm 1 kg(Rau muống/ mồng tơi/ cải cúc)

Hạt điều màu 1 muỗng canh

Rượu trắng 2 muỗng canh(dùng sơ chế thịt vịt)

Dầu ăn 50 ml

Nước tương 3 muỗng canh

Gia vị thông dụng 1 ít(Đường/ muối/ hạt nêm/ bột ngọt/ tiêu xay)

Cách chọn mua khoai môn dẻo ngon, không sượng

  • Chọn những củ khoai môn tròn đều, có hình dáng như quả trứng gà. Bên ngoài lớp vỏ sần sùi, có nhiều râu và đất vẫn còn bám trên vỏ.
  • Quan sát thấy kích thước củ khoai vừa, không quá lớn cũng không quá nhỏ, cầm lên có giác nhẹ thì nên mua.
  • Nếu thấy khoai môn càng có nhiều lỗ trũng, khi cắt ra thấy lớp ruột khoai có nhiều vân tím và màu đỏ đậm thì khoai càng bùi, vị càng ngon.
  • Tránh mua những củ khoai môn đã bị mọc mầm, ít lỗ trũng, bị sứt mẻ hay lớp vỏ bị trầy xước.

Cách chế biến Lẩu vịt khoai môn

  • Sơ chế thịt vịt

    Để khử mùi tanh của vịt, bạn bóp rửa thịt vịt thật kĩ với 1 ít muối và 2 muỗng canh rượu trắng sau đó rửa thật sạch lại nước khoảng 2 – 3 lần rồi để cho ráo nước xong dùng dao khứa vài đường lên đùi vịt.

    Bạn thêm vào đùi vịt 2 muỗng canh nước tương rồi đảo đều cho nước tương thấm vào thịt.

  • Sơ chế các nguyên liệu khác

    Khoai môn gọt sạch vỏ, rửa sạch rồi cắt khúc vừa ăn dài khoảng 2 lóng tay.

    Bạn cho khoai môn vào tô và ướp với 1 muỗng canh nước tương, 1/2 muỗng canh hạt nêm.

    Cách gọt khoai môn không ngứa:

    • Cách 1: Đeo găng tay nylon hoặc cao su để sơ chế khoai môn, lưu ý không nên cho tay trực tiếp chạm vào khoai.
    • Cách 2: Gói khoai bằng giấy bạc và cho vào lò vi sóng nướng sơ qua 2 phút. Điều này sẽ giúp bạn bớt bị ngứa tay khi gọt mà lại dễ bóc vỏ.
    • Cách 3: Cho khoai môn vào nồi, thêm 200ml nước cùng 1 muỗng cà phê muối. Bắc nồi lên bếp đun sôi, sau đó đổ khoai ra và ngâm với nước lạnh rồi bắt đầu lột vỏ.

    Xem chi tiết: Cách gọt khoai môn không bị ngứa

    Hành lá bạn cắt bỏ gốc, rửa sạch rồi cắt khúc khoảng 1 lóng tay. Hành tím, gừng vào làm sạch vỏ, ớt bỏ cuống rồi đem rửa sạch và băm nhỏ.

    Bạn nhặt lá tía tô cùng các loại rau ăn kèm gồm rau muống, cải cúc, mồng tơi rồi đem rửa sạch, để ráo và cắt khúc vừa ăn đối với các loại rau ăn kèm.

  • Chiên săn thịt vịt và khoai môn

    Bắc chảo lên bếp mở lửa lớn, thêm 50ml dầu ăn rồi đun đến khi dầu nóng thì bạn cho đùi vịt vào chiên khoảng 5 – 7 phút sao cho vàng ruộm đều 2 mặt phần da bên ngoài thì vớt ra để ráo dầu.

    Tiếp đó ở chảo vừa chiên vịt, bạn mở lại lửa vừa, cho khoai môn vào chiên khoảng 10 phút cho vàng đều các mặt thì vớt ra để ráo bớt dầu.

    Sau khi chiên vịt và khoai xong thì bạn múc bớt dầu ra chén sao cho trong chảo còn khoảng 2 muỗng canh dầu, bạn mở lửa nhỏ và thêm 1 muỗng canh hạt điều màu vào đảo đều.

    Bạn rim trong khoảng 2 – 3 phút để lấy được phần màu điều đỏ thì tắt bếp rồi lọc lấy màu dầu điều.

  • Ướp và xào thịt vịt

    Thịt vịt đã nguội bớt, bạn chặt miếng vừa ăn rồi cho vào tô, ướp thịt vịt với 1 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng canh đường, 2/3 muỗng canh muối. Bạn đảo đều và để ướp 5 – 10 phút cho thịt vịt thấm gia vị.

    Bắc chảo lên bếp mở lửa vừa, bạn thêm vào 1 muỗng canh dầu ăn vừa chắt ra ở bước chiên trước, đợi đến khi dầu nóng bạn cho hành tím, gừng, ớt băm vào phi thơm.

    Sau đó bạn cho thịt vịt vào xào đều khoảng 5 phút cho phần thịt bên trong săn lại.

  • Nấu thịt vịt với khoai môn

    Lúc này thịt vịt đã săn, bạn thêm 2 lít nước nấu sôi ở lửa lớn. Khi nước sôi, bạn hạ lửa nhỏ và đậy nắp nấu khoảng 15 phút.

    Tiếp đó bạn mở nắp và thêm khoai môn chiên vào nấu thêm 10 phút và nêm thêm 1 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê bột ngọt, 1 ít tiêu xay và 1 muỗng canh dầu màu điều rồi đun thêm 2 – 3 phút nữa là hoàn thành.

    Cuối cùng, bạn múc lẩu ra một nồi nhỏ, thêm 1 ít dầu màu điều nữa cho đẹp mắt rồi đun nóng lại trên bếp gas mini là có thể thả hành lá, tía tô vào rồi nhúng kèm các loại rau và thưởng thức ngay được rồi nè!

  • Thành phẩm

    Lẩu vịt khoai môn nóng hổi, dậy mùi thơm vô cùng hấp dẫn. Khoai môn mềm bở, bùi ngậy, thịt vịt săn mềm thấm gia vị ăn kèm các loại rau nhúng lẩu giòn ngon, tươi mát hấp dẫn tuyệt vời.

    Chuẩn bị một chén bún tươi, chan vào phần nước dùng thêm 1 miếng thịt vịt, khoai môn, rau tươi thì cùng gì tuyệt vời hơn đúng không nào?

Hành trình khám phá ẩm thực chưa bao giờ kết thúc. Hãy tiếp tục theo dõi website của chúng tôi để cập nhật những công thức mới lạ và những mẹo vặt hữu ích nhé!

Để tìm thêm nhiều ý tưởng nấu ăn mới lạ, hãy truy cập danh mục món ăn của chúng tôi.

Bạn cũng có thể thích

Để lại một bình luận